Điều trị các bệnh lý về da: mụn, rỗ, sẹo, da nhiễm Corticoid

Cách chăm sóc và điều trị sẹo rỗ

Sẹo rỗ (sẹo lõm) do hậu quả của tình trạng mụn trứng cá nặng, viêm nang lông, thủy đậu… để lại các vết sẹo mụn trên da khó phục hồi. Quá trình điều trị sẹo rỗ khá tốn kém và mất nhiều thời gian…

1. Nguyên nhân gây nên sẹo rỗ

Sẹo rỗ hình thành do sự tổn thương của viêm nang lông tác động sâu tới trung bì. Các tổn thương này làm đứt gãy liên kết collagen – elastin (ảnh hưởng hệ thống đệm đỡ trong da) không hồi phục, khiến da có những vết sẹo nhỏ, lõm sâu dưới các lớp mô khi da không có khả năng tái tạo lại như bình thường.

Sẹo rỗ được phân thành 3 loại chính:

  • Sẹo rỗ chân đá nhọn.
  • Sẹo rỗ chân vuông.
  • Sẹo rỗ hình lượn sóng.

Sẹo rỗ chân đá nhọn (trái), sẹo rỗ chân vuông (giữa) và sẹo rỗ hình lượn sóng (phải).

2. Cách xử lý sẹo rỗ

Lựa chọn phương pháp điều trị sẹo rỗ dựa vào loại sẹo mà người bệnh mắc phải. Do đây là dạng tổn thương da không tự phục hồi nên rất khó điều trị. Quá trình điều trị lâu dài, tái khám và tái chữa nhiều lần mới có thể cho kết quả khả quan. Hơn nữa, điều trị sẹo rỗ cũng khá tốn kém. Người bệnh cần kiên trì điều trị và phải chuẩn bị cả thời gian cũng như tài chính.

Để tránh tai biến khi điều trị, nên lựa chọn những cơ sở uy tín với bác sĩ thẩm mỹ da hoặc chuyên gia thẩm mỹ có tay nghề vững. Nếu sử dụng sai hoặc lạm dụng, vô khuẩn không tốt, có thể dẫn đến tình trạng xấu hơn.

Nguyên nhân gây sẹo rỗ xuất phát từ bên dưới da, nên việc xử lý sẹo rỗ không thể chỉ sử dụng các loại kem bôi thoa thông thường, mà phải có tác dụng từ dưới lớp biểu bì. Sử dụng kem bôi chỉ có tác dụng hỗ trợ xử lý sẹo hoặc trong giai đoạn sẹo mới thì sẽ nhận thấy được hiệu quả của kem bôi rõ rệt.

Trong khi đang xử lý mụn và nhận thấy trên da có dấu hiệu của sẹo thì nên xử lý ngay, như vậy sẽ cải thiện tốt hơn và có thể làm đầy sẹo đến hơn 90% nếu áp dụng đúng phương pháp, đúng sản phẩm đó.

Một số phương pháp giúp hỗ trợ cải thiện sẹo tốt như:

– Đường bôi: Các sản phẩm giúp kích thích tăng sinh collagen, tế bào mới làm đầy sẹo như tretinoin, retinol… kết hợp vitamin C, niacinamide, hyaluronic acid…

Một phương pháp dùng đường bôi để điều trị sẹo lõm dạng nhẹ, đó là lột da hóa học. Đây là biện pháp được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của sẹo rỗ mà chuyên gia da liễu sẽ lựa chọn loại, nồng độ hóa chất phù hợp cho bệnh nhân. Các hóa chất này thường acid glycolic hoặc phenol có công dụng lột da mạnh hơn.

Các chất này sau khi được bôi lên da sẽ phá hủy lớp mô da bị tổn thương, gây bong tróc và kích thích lớp mô mới phát triển nhằm tái tạo biểu bì da. Phương pháp này có tác dụng làm mờ đi vết sẹo rỗ nông, có tác dụng cải thiện làn da sau vài tuần điều trị.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, khô hơn… Vì thế, trong quá trình điều trị nếu không tránh nắng cẩn thận đúng cách, có thể khiến da nám sạm nhiều hơn, thậm chí có trường hợp bị dị ứng nặng với các thành phần của hóa chất.

– Liệu pháp lăn kim: Là phương pháp dùng thiết bị có cắm nhiều kim nhỏ (vi kim), lăn lên da mặt theo nhiều hướng khác nhau. Những kim này sẽ xuyên thủng lớp da có nhiều sẹo rỗ, từ đó giúp hình thành nên lớp collagen mới, tái tạo da và giúp mờ sẹo rỗ.

Khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân sẽ có cảm giác kim châm chích, sau đó da ửng đỏ, bong tróc trong 1 tuần trước khi lớp da mới hình thành.

Tuy đây không phải là phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín hoặc bệnh viện với người thực hiện có tay nghề cao. Nếu lăn kim ở những cơ sở làm đẹp không uy tín thì nguy cơ bị nhiễm trùng da rất cao nếu tay nghề của người thực hiện kém hoặc vật tư y tế không đảm bảo vệ sinh.

– Tiêm chất làm đầy: Chất làm đầy hay còn gọi là filler được ứng dụng trong điều trị sẹo rỗ, giúp nâng bề mặt sẹo lên bằng với lớp da bình thường xung quanh. Tiêm filler giúp làm đầy và giảm sẹo nhanh chóng.

Tiêm filler điều trị sẹo

 

– Bấm cắt sẹo: Đây là biện pháp khá hiệu quả trong điều trị sẹo rỗ, đặc biệt là với sẹo rỗ chân đá nhọn. Bác sĩ sẽ dùng một cây kim nhỏ cắt các mô sẹo, sau đó dùng chỉ khâu lại. Nếu kích thước của mô sẹo lớn, bác sĩ sẽ lấy một phần da sau tai để ghép. Phương pháp này có thể khiến sắc tố da không đồng đều sau phẫu thuật.

– Bóc tách sẹo: Phương pháp này có hiệu quả với sẹo rỗ hình lượn sóng, c thể được dùng đơn độc hoặc phối hợp với phương pháp lột da hóa học.

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ giúp nới lỏng vùng mô da xung quanh sẹo rỗ bằng cách đâm kim nhiều lần dưới da theo hướng chuyển động quạt. Phương pháp này nhằm tạo ra vết thương mới để khi lành lại sẽ giúp làm liền vết sẹo.

Nếu không điều trị, sẹo rỗ sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

3. Cách hạn chế sẹo rỗ

Đa số các làn da có sẹo rỗ cần điều trị là do hậu quả của tổn thương da sau khi bị mụn trứng cá nặng, viêm nang lông…

Để phòng ngừa thì cần có biện pháp chăm sóc da đúng. Biện pháp quan trọng nhất là xử lý mụn sớm, tránh để tình trạng viêm nặng, mụn bùng phát thì sẹo càng nhiều và càng sâu. Trong quá trình đang trị mụn, hãy thực hiện các cách phòng ngừa và hạn chế sự bùng phát mụn hay hình thành sẹo rỗ:

– Giữ tư tưởng tinh thần thoải mái, sinh hoạt khoa học.

– Không tự ý sử dụng sản phẩm lạ, kém chất lượng… đặc biệt là trong quá trình xử lý mụn vì đây cũng là thời điểm da rất yếu và nhạy cảm.

Điều trị sẹo rỗ là quá trình phức tạp, cần rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí để thực hiện mà hiệu quả cũng không mang lại 100%. Để kết quả khả hơn nên chú ý những nguyên tắc sau:

– Điều trị sớm nhất có thể: Điều trị ngay khi sẹo mới hình thành, chân sẹo còn non và chưa bị xơ cứng sẽ hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn. Nếu sẹo để lâu, cấu trúc sẹo săn chắc thì sẽ khó xử lý hơn rất nhiều.

– Lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp với từng loại sẹo.

– Tuân thủ đúng theo liệu trình điều trị: Khi mới bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ không tác động quá sâu vào da để tránh nguy cơ da bị tổn thương, nên sẽ không thu được hiệu quả ngay. Bệnh nhân không nên sốt ruột và bỏ điều trị giữa chừng.

Sau khi nắm được tính chất da, tốc độ phục hồi thương tổn, bác sĩ sẽ điều chỉnh kỹ thuật điều trị phù hợp mới đem lại hiệu quả khả quan hơn. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ quy trình chăm sóc và bảo vệ da nghiêm ngặt theo từng phương pháp.

9 cách điều trị da nhiễm Corticoid tại nhà phục hồi tốt

Khi người bệnh dùng các sản phẩm kem chứa Corticoid liên tục hàng ngày và kéo dài từ 2 – 3 tuần trở lên dễ gây teo da, giãn mạch máu hoặc rạn da. Bài viết dưới đây chia sẻ về cách điều trị da nhiễm Corticoid tại nhà phục hồi tốt.

Da bị nhiễm Corticoid là da tổn thương, bị mài mòn, viêm nhiễm mạn tính do lạm dụng thuốc Corticoid bôi lên da trong thời gian dài, dẫn đến xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc. Các mạch máu trong da giãn ra làm xung huyết khiến da nóng đỏ, nổi lên nhiều nốt mụn nhỏ li ti.

Khi dùng các sản phẩm chứa Corticoid hoặc dẫn xuất của Corticoid vượt quá mức cho phép từ kem trộn, rượu thuốc trị mụn, thuốc chứa thảo dược kém chất lượng… khiến da nhiễm Corticoid. Corticoid là Hormone được tạo ra từ vỏ thượng thận. (1)

Corticoid giúp chống dị ứng, chống viêm, ức chế miễn dịch, trị mụn (gồm mụn mủ, mụn viêm, mụn cám), ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn (giảm nhờn). Việc dùng sản phẩm chứa Corticoid với hàm lượng cao sẽ làm da nhanh trắng mịn, mờ thâm nám, tàn nhang nhưng khi lạm dụng thuốc sẽ khiến da bị teo, tổn thương hàng rào bảo vệ da làm da dễ bị viêm nhiễm.

Nguyên nhân da nhiễm Corticoid

Nguyên nhân da nhiễm Corticoid do tự ý sử dụng sản phẩm bôi trên da có liều lượng Corticoid cao và kéo dài khiến da bị lệ thuộc thuốc (nghiện thuốc, nhiễm Corticoid). Đặc tính nổi bật của thuốc Corticoid bao gồm:

  • Có tính kháng viêm mạnh: giúp cải thiện tình trạng mụn mủ, mụn viêm, giảm tình trạng sưng tấy, giảm ngứa.
  • Ức chế sự phát triển của da, làm mỏng thượng bì do đó sẽ thấy da trắng sáng ra, hết sạm, nám.

Tuy nhiên, việc lạm dụng Corticoid liều cao và dài ngày gây tác dụng phụ khi ngưng sử dụng còn gọi là hiện tượng lệ thuộc Corticoid, da nhiễm Corticoid: da teo mỏng nên các mạch máu ở lớp bì lộ rõ và dễ bị tổn thương do các tác động vật lý (ánh nắng, va chạm) gây ra hiện tượng xuất huyết dưới da, da đỏ do mạch máu bị giãn nở…, ức chế viêm lâu dài làm da không chống lại các tác nhân bên ngoài nên dễ nhiễm trùng.

Triệu chứng trên da khi nhiễm Corticoid

Việc dùng Corticoid điều trị nhiều tháng sẽ gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc, biểu hiện bằng phát ban da, da mỏng đỏ, đụng chạm vào dễ gây vết bầm hoặc trợt da; nhưng khi ngưng thuốc thì bệnh chính sẽ nặng hơn, da phản ứng nhiều hơn (cảm giác ngứa, châm chít, chảy dịch…) nên người bệnh lo sợ và dùng thuốc trở lại; nhưng khi sử dụng thuốc tiếp thì da càng mỏng, càng tổn thương nhiều hơn (nên có tên gọi là lệ thuộc/nghiện Corticoid).

Hướng dẫn cách điều trị da nhiễm Corticoid

Sau đây là một số hướng dẫn cách điều trị da nhiễm Corticoid, người bệnh nên lưu ý như:

1. Tập thích nghi cho da quen với việc không sử dụng Corticoid

Người bệnh nên giãn cách từ từ thời gian dùng sản phẩm chứa Corticoid để tập thích nghi cho da quen với việc không sử dụng Corticoid giúp da phục hồi khỏe mạnh. Việc ngừng dùng Corticoid đột ngột sẽ khiến da xuất hiện nhiều nám, mụn li ti hoặc mụn mủ khó điều trị, dễ để lại sẹo thâm. Do đó, thời gian dùng Corticoid nên giảm dần đến khi không dùng nữa.

2. Làm sạch da mặt

Làm sạch da mặt hằng ngày sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn trên da. Tuy nhiên, da khi nhiễm Corticoid thường yếu, dễ nhạy cảm nên không rửa mặt quá nhiều lần trong ngày. Các loại sữa rửa mặt nên chọn loại dịu nhẹ hoặc Soap Free hoặc loại có cung cấp kem dưỡng phục hồi da phù hợp với da mụn, nhạy cảm. Nếu da đã tổn thương nặng, người bệnh nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh da nhẹ nhàng.

3. Dưỡng da

Nên dùng sản phẩm dưỡng da có nguồn gốc từ thiên nhiên phù hợp cho da nhạy cảm hoặc các sản phẩm có chứa các thành phần Vitamin, Acid Amin thiết yếu cho việc phục hồi da. Thoa kem dưỡng da từ 2 – 3 lần/ngày ở vùng da như mặt, thân mình, tay chân… để giúp da mềm mại hơn.

4. Sử dụng thuốc

Người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định cho dùng một số loại thuốc như: thuốc kháng viêm giúp giảm triệu chứng ở da, thuốc kháng sinh hoặc kháng Histamin, điều trị nhiễm trùng, thuốc trị nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm nấm.

5. Liệu pháp chăm sóc da

Các liệu pháp chăm sóc da như: tiêm vi điểm, sử dụng chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu, sản phẩm từ tế bào gốc, sản phẩm dưỡng ẩm hoặc dùng các loại Vitamin có đặc tính chống oxy hóa như: Vitamin C, Vitamin E, Vitamin B2… giúp da mau phục hồi, khỏe mạnh hơn.


Da bị nhiễm Corticoid là da tổn thương, bị mài mòn, viêm nhiễm mạn tính do lạm dụng thuốc Corticoid bôi lên da trong thời gian dài.

Cách chăm sóc da đúng cách tại nhà

Một số cách chăm sóc da đúng cách tại nhà khi da nhiễm Corticoid bao gồm:

  • Sử dụng nước sạch hoặc chọn sản phẩm không gây kích ứng để làm sạch da mỗi ngày.
  • Không dùng sản phẩm chăm sóc da, tóc có chứa Sodium Lauryl Sulfate, Menthol hoặc Camphor. Nếu đang dùng sản phẩm nào mà da bắt đầu khô, châm chích, ngứa, đau rát hoặc bong vảy phải ngừng dùng ngay. Không dùng sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh dễ gây tổn thương da.
  • Chọn sản phẩm chăm sóc da và tóc không có chất tạo mùi, dịu nhẹ, phù hợp cho da.
  • Không trang điểm hoặc dùng mỹ phẩm khi da đang tổn thương do Corticoid. Nếu phải trang điểm, nên dùng sản phẩm dạng lỏng để giảm kích ứng da.
  • Không chạm tay hoặc chà xát vào vùng da bị kích ứng để tránh tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm (nhiều khói bụi hoặc nấm mốc), nơi có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Bảo vệ da cẩn thận khi đi ra ngoài trời nắng bằng cách bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và chứa kẽm Oxide, Titanium Dioxide, đồng thời đội mũ rộng vành, mặc áo khoác, mang bao tay, khẩu trang.
  • Hạn chế căng thẳng, lo lắng vì khiến da dễ viêm nhiễm nặng hơn hoặc nổi nhiều mụn.
  • Các thuốc chống trầm cảm, Vitamin B3, thuốc điều trị bệnh tim mạch… cũng ảnh hưởng đến da khiến da sưng đỏ. Do đó, người bệnh nên kiểm tra các loại thuốc đang dùng và hỏi ý kiến bác sĩ để hướng dẫn cách điều trị hợp lý. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Điều trị da nhiễm Corticoid tại bệnh viện:

1. Sử dụng công nghệ Laser mạch máu

Khi da bị nhiễm Corticoid sẽ xuất hiện nhiều mao mạch li ti trên bề mặt da làm da lúc nào cũng ửng đỏ, nóng và châm chít, bác sĩ sẽ sử dụng công nghệ Laser mạch máu giúp co các mạch máu li ti, giảm đỏ da đồng thời tia Laser cũng giúp tăng sinh các sợi Collagen giúp da khỏe, giảm teo da do Corticoid.

2. Sử dụng ánh sáng sinh học đặc biệt

Nếu da nhiễm Corticoid xuất hiện mụn, bác sĩ sẽ sử dụng công nghệ ánh sáng sinh học đặc biệt với cường độ năng lượng cao gồm dải bước sóng 400 – 700 Nanomet hoặc 870 – 1200 Nanomet để diệt vi khuẩn, giảm hoạt động tuyến bã để da sớm phục hồi.

+60183981306
icon right